T ình Mẹ ! Một thứ tình cảm luôn chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng,…; luôn hi sinh, cam chịu trong mọi hoàn cảnh. Đây chính là thứ tình cảm ngọt ngào thiêng liêng, làm nảy sinh nên mọi tình cảm ở đời như: tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, tình yêu con người,v.v… Nếu thiếu vắng thứ tình cảm này, cũng đồng nghĩa với sự vắng mặt hoàn toàn của mọi thứ tình cảm ở cõi đời, nếu có cũng chỉ là một sự giả tạo, lọc lừa mà thôi.
Trên diễn đàn thi ca Việt Nam, có đến cả muôn ngàn áng văn chương tuyệt tác ca tụng tình cảm thiêng liêng này. Trong đó, hình ảnh của người Mẹ được khắc hoạ qua các hình tượng hết sức sống động, sống mãi cùng thời gian.
Mẹ - Hình tượng chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng:
Mẹ và bé (Mai Trung Thu)
Lòng Mẹ! Hai tiếng hết sức ngọt ngào, thân thương và thiêng liêng làm sao! Tình cảm này không phải là thứ tình cảm ngẫu nhiên, so đo và tính toán như các thứ tình cảm mà thế nhân thường ví von "có qua có lại mới toại lòng nhau” như tình cảm bạn bè, tình yêu lứa đôi, v.v… Mà tình mẫu tử này được gắn kết bằng sợi dây huyết thống, sự sống của con gắn liền với sự sống của mẹ; tình cảm ấy mang đầy chất liệu yêu thương ngọt ngào, chan chứa vô bờ, chỉ ban phát mà không mong cầu đáp trả.
Thi ca Việt Nam đã không ngớt lời ca ngợi tình cảm này bằng các mỹ từ như, "lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, lòng mẹ bất tận như nước trong nguồn chảy ra,v.v…” Thật ra, cho dù núi có cao, biển có rộng, sông có dài,… cũng không thể sánh ví với tình cảm cao cả và thiêng liêng của Mẹ đối với con.
"Ai rằng công mẹ bằng non
Thật ra công mẹ lại còn hơn non,
Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai kia khôn lớn ơn này tính sao?
Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình".
(Ca dao)
Vâng! Nào là mang nặng đẻ đau, sú nước nhai cơm, nhường khô nằm ướt, con đau là mẹ đứng ngồi không yên,v.v… khi con còn bé bỏng; thế rồi để con lớn khôn và vững bước vào đời, mẹ lại làm thân cò lặn lội, bươn chải, vất vả nuôi con.
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên,
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con;
Dẫu cho thân xác héo mòn,
Miễn sao con được đủ đầy ấm no.”
(Ca dao)
Bức tranh Xuân (Nguyễn Thị Hợp)
Vất vả thế, cơ cực thế, mẹ không hề than van! Hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm dưới mưa gió trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; lam lũ, vất vả giữa chợ đời, gánh hàng rong trĩu nặng trên đôi vai gầy dạo khắp cùng đường cuối hẻm mong kiếm đồng lời để nuôi con ăn học thành tài cho khỏi thua sút với đời.
"Nhớ xưa dưới mái nhà tranh,
Mẹ ngồi may áo cất dành cho con,
Tinh sương mẹ gánh hàng rong,
Mẹ hiền gian khổ đôi dòng lệ rơi,
Hạ qua thu lại đổi dời,
Tuyết sương điểm mái tóc người kính yêu,
Mẹ là nguồn suối dịu hiền,
Là người duy nhất trong đời của con".
"Mẹ già gom gánh rạ rơm,
Nuôi con ăn học để thơm tiếng đời,
Mẹ nghèo nón lá tả tơi,
Mong sao con trẻ vào đời bình yên!
(Ca dao)
Từng bước chân dãi dầu thân cát bụi trên hành trình bôn ba khổ nhọc để tạo sinh kế vì những đứa con thơ đã oằn nặng trên vai gầy của Mẹ; ta thật sự nhận chân được tấm lòng yêu thương vô bờ của Mẹ.
"Dấu chân mẹ dãi dầu thân cát bụi,
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời!
Còn nữa, thời chinh chiến, cha phải mang trên vai chí nam nhi bên ngoài biên trường lửa đạn. Mẹ một mình gồng gánh nuôi con, vượt qua mọi hiểm nguy, ôm con chạy giặc, lấy thân mình che bom đạn cho con. Chiến tranh, nỗi đau đớn chung của dân tộc Việt Nam và nhân loại toàn cầu. Trong cảnh mạng sống bị đe doạ như vạn cân treo trên sợi tóc, ta lại nhìn thấy hình ảnh mẹ cao cả, bao la,… sự chở che an toàn cho con trong phút giây hiểm nguy nhất. Thật cảm động, hình ảnh của nhiều người mẹ đã ngã gục bên đường, lấy thân mình che đạn cho con. Mặt dù chinh chiến qua đi, cuộc sống đầy khó khăn trong thời hậu chiến, các con dần trưởng thành, thì càng ngày mẹ càng héo hắt, vầng trán mẹ nhiều nếp chân chim, lưng mẹ còm cỏi và yếu dần theo năm tháng; mẹ luôn nói: các con là sự sống của mẹ, là niềm tin và tự hào của mẹ; hãy ngẫng cao đầu và vững bước vào đời! Không nên làm gì để hổ thẹn đến gia phong, đến Đạo pháp!
Con trưởng thành trong vòng tay cưu mang và che chở của mẹ, trong những lời ru dạy bảo ân tình của mẹ cho con lúc còn ấu thơ, dẫn dắt con từng bước vào đời. Mẹ đã trao tặng cho con dòng sữa ngọt, sự yêu thương nâng niu chăm sóc. Lớn lên chút, mẹ cũng chính là người dạy cho con từng bước đi đầu tiên, từng con chữ, từng bài học; khi con phạm lỗi, mẹ cũng là người sẵn sàng dang rộng vòng tay mình tha thứ, chở che cho con mỗi khi bất trắc, đau buồn. Nhưng đó chỉ là những gì mà con có thể thấy được. Những hi sinh của mẹ dành cho con còn hơn thế, mà dưới ánh mắt đơn giản của một đứa trẻ thơ, con không thể nào và cũng chẳng bao giờ hiểu được trọn lòng. Mẹ không đòi hỏi sự trả ơn, cũng chưa từng đem sự hi sinh của mình ra đong đếm. Điều mà mẹ mong chờ nhất chính là sự trưởng thành của con mình.
"Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi,
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con thi trường học mẹ thi trường đời".
"Con ơi, mẹ bảo câu này:
Học buôn học bán cho tày người ta,
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười".
"Ra đi mẹ có dặn dò,
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua,
Gặp người đáng bậc mẹ cha,
Chào thưa vâng dạ mới là con ngoan".
(Ca dao)
Những lời ru của mẹ đưa con vào giấc ngủ êm đềm theo những tháng ngày, cho con sức sống vô biên, cho con mang dòng máu thiêng liêng của mẹ. Lời ru đó mãi theo con suốt cả cuộc đời, để cho con biết tìm về cội nguồn yêu thương thân tình nơi cha mẹ đã sanh thành, dưỡng nuôi con khôn lớn. quả thật trên đời không có thứ tình nào bằng tình mẹ thương con. Dẫu có bao nhiêu nhọc nhằn gian lao, mẹ sẵn sàng đón nhận miễn sao cho con mình được khôn lớn trong sự bình yên hạnh phúc. Con là một phần thân thể và linh hồn của mẹ, mẹ với con tuy hai mà một, nên con đau là mẹ đau, con khổ là mẹ khổ, con ngã lòng mẹ lo, con khóc lòng mẹ sầu, thân con liền ruột mẹ mà con thơ nào biết đâu!
Với ân nghĩa thâm trầm và cao cả trên, qua lời nhận định bất hủ của đức Phật:
"Ân cha hơn núi lớn,
Nghĩa mẹ hơn đất dày;
Hy sinh lòng chẳng quản,
Mà vẫn không nguôi ngoai.
Mẹ già hơn trăm tuổi,
Vẫn thương con tám mươi,
Tình thương nào ngơi nghỉ,
Đến hơi thở cuối đời!"[1]
Mẹ - Hình tượng hi sinh, cam chịu :
Trong vòng xoáy của đời, người phụ nữ nói chung, và các bà mẹ nói riêng, là những người mang lấy nhiều nỗi thiệt thòi và bất hạnh. Nhưng lại là những người gánh vác vai trò thiên chức làm mẹ hết sức cao cả. Không phải ngẫu nhiên mà làm con, ai cũng thiên về tình yêu mẹ hơn là tình cảm cha. Nếu tình cảm của mẹ dịu dàng toả mát như ánh trăng đêm rằm, thì tình cha khắc nghiệt chói chang như nắng ban trưa. Đức Phật cũng đã tán dương vai trò người Phụ nữ trong gia đình với thiên chức của một người mẹ đầy thi vị và hết sức cảm động: "Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa sáng soi; mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn; mẹ hiền còn sống là trăng rằm sáng toả; mẹ hiền khuất bóng là đêm trường tối tăm."[2]
Mẹ ôm con (Bé Ký)
Để thể hiện thiên chức cao cả, trong sáng và thiêng liêng này mà các bà mẹ vì con vì cháu đã phải tảo tần, vất vả và lao đao với cuộc đời. Hình ảnh người phụ nữ Việt qua đó thật rõ nét, mộc mạc nhưng thanh khiết, giản dị nhưng thanh cao! Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, và các bà mẹ nói riêng luôn là những biểu tượng cao đẹp, trong sáng trong lòng mọi chúng ta. Hình ảnh của người phụ nữ trong vai trò nữ tướng cần cù đảm đang này đã được Tú Xương khắc hoạ trong thi phẩm "Thương Vợ" hết sức cảm động:
"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận.
Năm nắng mười mưa, dám quản công".
Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng sáng tác từ cánh cò, từ thơ văn cho đến nhạc hoạ. Hình ảnh cánh cò trên cánh đồng quê đọng lại trong tôi bao ký ức trong thời thơ ấu. Những cánh cò trắng muốt, rất chăm chỉ, lặn lội đồng ruộng bắt cá mò cua… Hình ảnh người mẹ Việt Nam được khắc hoạ qua cánh cò trong trắng thuần khiết, chịu thương chịu khó, dãi gió dầm mưa, chăm sóc cho mái ấm gia đình.
"Cánh cò bay lả bay la
Bay từ nẻo mộng bay ra nẻo đời.”
"Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về."
(Ca dao)
Nẻo mộng và đời thực thường là 2 trạng thái đối lập giữa cuộc sống lý tưởng và cuộc sống đời thường. Con người ai cũng có khung trời mơ mộng hi vọng cuộc sống tốt đẹp cho riêng mình, riêng thân phận người con gái - mười hai bến nước[3], theo truyền thống cõi mộng của họ lại thật sự khép kín, niềm hi vọng chỉ là tia chóp lẻ loi, chỉ cam chịu với thân phận trớ trêu mà không có quyền chọn lựa. Trong cuộc sống thực tại, nẻo đời luôn là nỗi truân chuyên, để thực thi thiên chức ấy, sứ mạng của người phụ nữ phải chăm lo cho mái ấm gia đình mình, lo lắng cho chồng và chăm sóc cho con; lấy hạnh phúc của chồng con làm niềm vui cho bản thân, lấy sự phục vụ gia đình làm hạnh phúc của chính mình; không nại gian lao, chẳng từ khổ nhọc.
"Con cò lặn lội bờ ao,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non".
(Ca dao)
Làm con đôi khi chúng ta mải mê với thú vui hoa thơm cỏ lạ của lạc thú trên đường đời mà quên đi những ân tình thâm trầm và cao cả đang hiện hữu quanh mình. Đó là người mẹ, người chị… những người đã và vẫn sẽ tiếp tục âm thầm hi sinh cho sự thành công của chính chúng ta. Trong khi chúng ta đang say vùi trong giấc ngủ ngon lành của tuổi thơ, ngay cả khi chúng ta đang ngồi chiểm chệ trên giảng đường đại học,… có biết chăng các mẹ, các chị… của chúng ta đang vật lộn với cuộc sống, lam lủ với thân cò lặn lội, tảo tần kiếm từng đồng tiền bát gạo nuôi ta ăn học, rạng rỡ công danh với đời. Ngay cả những cảnh trớ trêu khốc liệt, nghiệt ngã của cuộc đời, nhiều bà mẹ đã phải dấn thân vào cuộc đời đầy phong ba một cách bất đắc dĩ, hi sinh thân mình để bảo vệ cho con cho cháu của mình có một cuộc sống bình yên.
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cảnh mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi hãy vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông nỡ xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
(Ca dao)
Tác giả nhân gian khắc hoạ hình ảnh của Mẹ hết sức tài tình, "thân cò” mảnh mai yếu đuối, đâu đủ sức vật lộn với sự gian truân sóng gió của cuộc đời, thế mà với sức mạnh của tình yêu thương và sẵn sàng hi sinh cho con trẻ nên mẹ có ngại gì, cò vẫn có thể thay vạc ăn đêm. Cuộc đời đầy trắc trở, truân chuyên, trớ trêu như vậy, mẹ còn gì màng đến danh phận cho riêng mình! Trong cảnh đời lao lung đầy cạm bẫy, với thân cò yếu đuối không thể tự cứu lấy mình trong lúc dầu sôi lửa bỏng, nhưng mẹ không vì ham sống sợ chết cho riêng mình, mà có chết thì hãy chết cho trong sáng, không chết trong vẩn đục làm đau lòng con thơ thân yêu của mình!
Tác phẩm của Họa sĩ Bé Ký
Tôi vẫn còn nhớ, sau chiến tranh 1975, đất nước lâm vào thời kinh tế suy sụp; năm 1979, cảnh đói khát đã hoành hành khắp nơi. Cơ hàn sinh đạo tặc! Năm ấy, gia đình chúng tôi may mắn hơn, không đến nỗi rơi vào cảnh bất hạnh này. Rẫy nhà tôi hoa mầu, mì bắp,… bội thu. Nhưng cảnh mất trộm thường xuyên xảy ra. Tôi mới có dịp chứng kiến và thấm thía thế nào là "cò ăn đêm"! Vào một đêm tối trời, cha và 4 anh em chúng tôi cùng đàn chó săn đi bắt trộm. Chúng tôi vẫn đinh ninh kẻ trộm đêm vượt núi, trèo đèo, lội sông suối để hành sự thế này phải là bọn đàn ông lực lưỡng, nên chúng tôi tìm nhiều cách đối phó bằng cây gậy, dao mác và đàn chó săn hùng hậu. Thế nhưng không thể ngờ, tội phạm lại là một người mẹ mới sinh và 2 đứa con nhỏ bé! Khi bị đàn chó săn hung hãm vây quanh, hết đường chạy, 3 mẹ con khóc la thảm thiết, năn nỉ chịu tội thay cho nhau! Khi tìm hiểu thực hư, chúng tôi mới vỡ lẽ, người chồng - cha của 3 mẹ con này mới vừa bị tai nạn chết. Ba mẹ con không thể vượt qua được cái đói khát dằn vặt, mà phải bất đắc dĩ trở thành kẻ trộm ăn đêm. Chạnh lòng trắc ẩn cho hoàn cảnh trớ trêu này, cha con chúng tôi không những tha cho, mà còn phải gánh giùm đồ cho kẻ trộm xuống núi và sang sông. Từ đó, rẫy nhà chúng tôi cũng không còn cảnh trộm cắp tái diễn.
Thật sự là một cảnh thương tâm nhưng rất đổi trớ trêu! Nếu gặp cảnh nghèo khó mẹ nhịn cơm cho con ăn, nhường áo cho con mặc, dành chỗ khô ráo cho con nằm. Chẳng may con lâm bệnh mẹ đứng ngồi không yên năm canh thao thức lo âu, van vái Trời Phật chạy thầy lo thuốc chẳng sợ tốn hao tiền của cho dù bán hết tài sản hay vay mượn mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhận miễn sao con hết bệnh thì mẹ mới an lòng, đến khi con lành bệnh không có tiền trả nợ cho người ta bị người ta chửi mắng. Trong những lúc bi đác như thế này mới tỏ rõ lòng mẹ thâm trầm sâu xa, trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, sẵn sàng hi sinh vì con, để cho con có cái ăn cái mặc, có cuộc sống bình yên! Ở khía cạnh này, Đức Phật đã nhận xét về tình mẹ hi sinh hết sức thâm trầm trong Kinh Báo hiếu phụ mẫu ân:
"Miễn làm sao cho con sung sướng,
Dù phải mang nghiệp chướng cũng cam!
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm!"
Mặc khác, từ ngàn xưa, hình ảnh người phụ nữ, người mẹ đã được khắc sâu vào tâm trí, con tim của mọi người con đất Việt; hình ảnh của sự thuỷ chung, của sự cam chịu và hi sinh. Trong thời chinh chiến, người phụ nữ đã phải khắc khoải trong sự mòn mỏi chờ đợi trong nỗi niềm của người chinh phụ; hết chờ chồng rồi lại trông con, nhiều cuộc chia li không có ngày hội ngộ.
"Chiều chiều bìm bịp giao canh,
Trống chùa đã đánh sao anh chưa về?"
Chiến tranh đã qua đi từ lâu, nhưng cứ chiều chiều, mẹ lại ôm gối nhìn ra đầu ngỏ, trông chồng đợi con, đôi mắt sâu thẳm của mẹ u buồn khắc khoải chờ mong, hoài vọng những đứa con trở về. Chiến tranh đã cày xới quê hương Việt Nam, đã làm cho xương máu của bao nhiêu người con đất Việt nằm xuống. Kẻ mất đi trong niềm uất ức, người còn lại trong nỗi niềm khắc khoải nhớ thương. Nhất là các bà mẹ Việt Nam có con nằm xuống các chiến tuyến nơi sa trường, đớn đau biết dường nào!
"Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương."
(Mẹ tôi, Nhị Hà)
Nhung nhớ, đợi chờ? Có nỗi khổ đau nào hơn nỗi trông đợi mòn mỏi! Người chinh phụ (vợ) ôm con trông chồng đến đổi hoá đá! Rất nhiều truyền thuyết nói về núi (hòn) Vọng Phu[4], rất nhiều núi vọng phu trên khắp các miền đất nước; hình người phụ nữ ôm con chờ chồng đến hóa đá; hình tượng đẹp đầy tính nhân văn của Việt Nam. Hòn Vọng Phu đã đi vào thơ ca, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, ca ngợi lòng chung thủy, nhân hậu của người phụ nữ đất Việt.
"Mẹ bồng con lên ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu
Một mai bóng xế trăng lu
Ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng!"
"Bồng con ngồi dựa trên non.
Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ trông.”
(Ca dao)
Hình ảnh người chinh phụ (vợ) bồng con đứng trên ngọn núi, trơ như đá, vững như đồng, đăm đăm chờ đợi người chinh phu (chồng) về. Đây cũng chính là hình ảnh tiêu biểu của muôn ngàn phụ nữ phải gánh chịu trong thời chinh chiến loạn lạc phải trông chồng ở ngoài ải quan sang. Nhưng người ra đi không bao giờ trở lại, mặc cho người chinh phụ trông chờ mỏi mòn tuyệt vọng.
"Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về, bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề, người tung hoành bên núi xa xăm, người mong chồng còn đứng muôn năm…"
"Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ. Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…"
"Nơi phía Nam giữa núi mờ, Ai bế con mãi đứng chờ, như nước non xưa đến giờ?..."
(Trường ca Hòn vọng phu, Lê Thương)
Mẹ - Hình tượng hoá thân của Đất nước, Quê hương :
Tác phẩm của Họa sĩ Lê Văn Đệ
Biết bao người mẹ trở thành cô phụ trong thời chiến tranh hết chờ chồng rồi lại trông con, mỏi mòn héo hon. Hình ảnh người mẹ đã khắc hoạ nên hòn vọng phu, đã đi vào trang sử vàng cũng như lòng dân Việt. Người mẹ Việt Nam, người phụ nữ quả cảm, dâng cả đứa con thân yêu, là kết tinh của xương trắng máu đào của chính mình cho quê hương yên ổn và đất nước thái bình, để không còn cảnh ngoại xâm giày xéo quê hương; vẫn biết rằng đó là sự mất mát to lớn, bao nhiêu người con yêu đã ra đi không bao giờ trở lại. Mẹ mong sao con mình thành nhân, phải sống cho có nghĩa, cho dù phải đánh đổi cái giá quá đắc cho đời mình. Theo Phật pháp đó là tinh thần Bồ tát đạo, là vị tha không chút vị kỉ, là vì người không chút toan tính cho mình, nâng tình thương yêu con đỏ lên ngang tầm tình yêu tổ quốc quê hương. Ôi, tình mẹ quê hương đất nước quả thật cao vời! Mẹ đã hoá mình vào đất nước, quê hương. Mẹ của ta cũng chính là bà mẹ Việt Nam.
"Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con lần lượt ra đi... đi mãi mãi...
Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng
Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!
Đi con đi qua khắp nẻo đường, nghe đau thương chìm trong khói sương.
Mong sao cơn mưa vô tình không lung lay làm rớt hạt sương."
(Người mẹ của tôi, Như Hào)
Đất nước lâm nguy dưới gót chân giày xéo của quân xâm lược, mọi người dân Việt Nam phụ, lão ấu đều đồng lòng đứng lên bảo vệ tổ quốc thành đồng thân yêu với lời hiệu triệu quốc hồn - quốc tuý muôn thuở: "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", hay "giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh". Từ huyền sử cho đến thật sử, có rất nhiều tấm gương anh dũng làm sáng ngời hình ảnh Việt Nam - một dân tộc anh hùng bất khuất. Những trang sử hào hùng trong Đại Việt sử ký, xuất hiện nhiều bậc anh hùng, trong đó có anh hùng thiếu niên như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Kim Đồng,… anh hùng nhi nữ như: Bà Trưng, Bà Triệu,… Các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước oai hùng vừa qua, hình ảnh người mẹ đội mưa, đào hầm, tiếp tế và chở che cho những đứa con đánh giặc trên chiến trường bom đạn.
"Mẹ về đứng dưới mưa
Che từng căn hầm nhỏ
Ngăn từng bước chân thù
Mẹ ngồi dưới cơn mưa
Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối,
Tiễn con qua núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối,
Gió mưa tóc che lối con đi…"
(Huyền thoại mẹ, Trịnh Công Sơn)
Mẹ đã hoá thân vào hồn thiêng sông núi, vào hồn thiêng tổ quốc. Cho dù con đi đâu, ở tận chân trời xa xăm nào, con vẫn nhớ về quê hương, nhớ về đất mẹ Việt Nam thân thương. Ai đó đã nói, "quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Thật vậy, quê hương thật thơ mộng, thật xao xuyến cõi lòng, khi nghe ai đó gợi nhắc lại quê hương. Có rất nhiều và rất nhiều tuyệt tác diễn tả về quê hương, nhưng không có tác phẩm nào làm rung động lòng người như bài quê hương sau đây:
"Quê hương là một bến sông
Có con đò nhỏ đợi trông người về
Quê hương là câu ước thề
Từ ngày thơ dại cận kề bên nhau
Quê hương là cả niềm đau
Biệt ly mất mát bể dâu khôn lường
Quê hương là những con đường
Hàng cây rũ lá me vương tóc người
Quê hương là một buổi chiều
Em thơ tóc bím thả diều ước mơ
Quê hương là những vần thơ
Gieo trong đêm trắng ngẩn ngơ nhớ nhà
uê hương là bà mẹ già
Nghèo, quê, xấu, vụng - vẫn là mẹ ta
Trái tim mẹ vẫn bao la
Đẹp hơn tất cả bài ca trên đời".
(Bà Mẹ quê hương, Hà Huyền Chi)
Vòng tay của Đất Mẹ Việt Nam đã ôm trọn các đứa con của người. 54 dân tộc đồng bào anh em có cùng chung một mẹ Âu Cơ, một Mẹ Việt Nam, đang quây quần chung sống. 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước, đất mẹ đã chứng kiến bao cảnh thương đau bị quân xâm lược giầy xéo. Đất mẹ thành đồng đã che chở cho những đứa con của người, quật khởi đạp đổ ách thống trị xích xiềng của quân xâm lược phương Bắc (Tàu) lẫn phương Tây. Ngày nay Đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thanh bình, nhân dân chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống, kiến thiết đất nước. Nhưng những người mẹ già vẫn khắc khoải, những vết thương tâm đã hằn sâu trong lòng mẹ, nỗi đớn đau không bao giờ vơi; bao nước mắt của Mẹ đã rơi để khóc tiễn đưa những đứa con yêu của Mẹ đã ngã xuống nơi biên trường, nỗi đau của "đầu bạc đã phải khóc tiễn đầu xanh".
"Lá vàng còn ở trên cây;
Lá xanh rụng xuống trời hay không trời?"
"Mẹ Việt Nam ơi! Mây khói tan rồi còn lại mẹ tôi
Đất nước, nay vẫn còn, còn có những đứa con
Dù đi xa muôn phương nhưng vẫn nhớ
Mẹ đang cô đơn, chúng con yêu mẹ hơn mỗi chiều nghiêng nghiêng bóng
Ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông…
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!
Xin cám ơn người, người mẹ của tôi!"
(Người mẹ của tôi, Xuân Hồng)
Đặc biệt, tình yêu quê hương - Đất Mẹ, một lần nữa lại trào dâng, lại tha thiết và dặt dìu trong bài "Tình ca” của Phạm Duy, đã làm say bao lòng người.
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!...
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau…"
***
Tác phẩm của Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp
Mẹ - hình tượng thiêng liêng, trên diễn đàn văn học và thi ca Việt Nam đã khắc hoạ thật sống động và thiêng liêng: hình tượng Mẹ chở che, cưu mang, bao dung và độ lượng; hình tượng Mẹ hi sinh và cam chịu; hình tượng Mẹ hoá thân của đất nước và quê hương. Thật vậy, tình cảm mẹ bao la, tấm lòng mẹ chan chứa, tâm hồn mẹ bao dung; hơn nữa, tình mẹ cao cả ấy đã hoà mình vào đất trời quê hương, thành Đất mẹ thành đồng Việt Nam anh hùng, bất khuất thân thương.
"Mẹ ơi! Bóng mẹ là nhà,
Để khi mệt lả con về náu thân,
Lời mẹ là tiếng chuông ngân,
Êm đềm dịu ngọt, lâng lâng cõi lòng."
Từ đó, Mẹ là kho tàng yêu thương hạnh phúc, là tàng cây bóng mát che chở cho con nương náu trong những lúc vấp ngã hay cô đơn thất vọng, con lại tìm về suối nguồn yêu thương ấy để được nghe những lời an ủi, khuyên răn vỗ về sưởi ấm lòng con. Qua hình tượng thiêng liêng của Mẹ được khắc hoạ qua văn học và thi ca trên, ta cảm nhận được công lao khó nhọc của người mẹ. Nước mắt và mồ hôi của mẹ đã trở thành những dòng dịu mát, làm xanh tươi đồng quê VN. Mẹ đã hy sinh tất cả niềm vui, lẽ sống riêng tư của mình để lo cho con, ở mọi lúc mọi nơi, khi con cần là có mẹ ở bên cạnh. Mẹ vì con mà ngậm đắng nuốt cay chấp nhận hết tất cả không một lời than van. Quả thật tình mẹ cao cả biết nhường nào! Người Mẹ hiền, Mẹ Việt Nam, hình ảnh Mẹ bình dị nhưng thiêng liêng, yêu thương nhưng khả kính; mãi mãi là nơi che chở ấm áp và vững chắc của con, và sẽ sống mãi trong lòng mọi người con dân Đất Việt.
"Ôi mẫu tử bao la ơn sâu nặng,
Nặng ân tình thơm ngát vạn niềm thương,
Lệ sầu đau năm tháng hóa kim cương,
Thành chuỗi ngọc tình thương ôi bất diệt".
Chú thích :
[1] Kinh Báo Ân Cha Mẹ thi hóa, Thích Nhật Từ
[2] Kinh Đại thừa bổn ân tâm địa quán
[3] Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn 1895, mục từ Bến) của Huỳnh Tịnh Của giảng "Con gái mười hai bến nước" là: "Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu".
[4] Tiếng Pháp gọi là La Mère et L'Enfant, dịch ra là Mẹ Bồng Con. Nhiều truyền thuyết nói về hòn Vọng Phu trên khắp miền đất nước:
Núi Vọng Phu ở Ninh Tòng, Ninh Hòa, Khánh Hòa, tên là núi Mẫu Tử, giáp ranh xã Krong Hin, huyện Mơ Đrắc, cao 2.051m; có tên khác là Mông Công, đọc trại ra thành Bồng Con; đồng bào dân tộc trong vùng gọi là T'Yang Mtên. Đây là ngọn núi cao nhất của Khánh Hòa. Chóp núi là một khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh có một khối nhỏ hơn, trông xa tựa hình người, đứng xa 40 km vẫn rõ hình ảnh mẹ bồng con ngóng ra biển Đông: "Bồng con ngồi dựa trên non/ Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ trông".
Hòn Vọng Phu, Núi Tô Thị nằm gần sông Kỳ Cùng, động Tam Thanh, Lạng Sơn được biết đến qua ca dao: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh..."
Ở Thanh Hóa, núi Khế - Nhuệ Sơn (thôn Nhuệ), cách TP. Thanh Hóa 3 km về phía tây nam, chu vi khoảng 4.000m, trên đỉnh núi Nhồi một cột đá đứng sững cao khoảng 20 mét giống hình người phụ nữ ôm con, dân địa phương gọi là hòn Vọng phu. Có câu: "Vọng phu cảnh đẹp núi Nhồi/ Có người chinh phụ mắt ngời đăm đăm".
Núi Vọng Phu, còn gọi Đá Chồng, hay ngọn Đá Bia (tên chữ Bi Sơn hay Thạc Bi Sơn) ở Phú Yên. Núi cao 706m nằm cạnh quốc lộ 1A, trên đỉnh dựng
đứng một khối đá lớn giống hình người đàn bà. Có câu: "Sông kia núi nọ còn đây/ Mà người non nước ngày nay phương nào?"