"> "> ">
Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGUYỄN SỸ TẾ,

TÁC GIẢ - TÁC PHẨM




                 

N guyễn Sỹ Tế là một khuôn mặt văn hóa và trí thức có thể nói là tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Ông là một nhà thơ, một nhà văn và rất trân trọng văn chương chữ nghĩa. Đọc thơ văn của ông, thấy được tấm lòng với nghệ thuật. Dù đời sống thực tế có nhiều thăng trầm nhưng tâm tình của ông vẫn khoan hòa và trong bất cứ hoàn cảnh nào, văn chương vẫn là của thẩm mỹ quan sâu sắc và chính xác. Là một nhà giáo dục, làm hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn và là giáo sư của nhiều viện đai học Việt Nam như Đại Học Sư Phạm, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Đà Lạt, Đại Học Cần Thơ và có nhiều môn sinh thành đạt. Là một nhà văn hóa, ông có nhiều đóng góp vào những công trình giá trị trong mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc và tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác.


Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Vụ Bản, Nam Định. Gia đình bên nội và bên ngoại đều thuộc hàng Nho Học khoa bảng. Ông đã theo học chữ Hán nhiều năm trong gia đình, học trung học tại trường Thành Chung- Nam Định, trường Bưởi – Hà Nội và tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ông bắt đầu đi dạy học năm 1945 và từ đó đã viết văn làm thơ đăng báo. Và sự nghiệp giáo dục của ông đã kéo dài đến năm 1975 qua nhiều nơi, nhiều trường từ Bắc đến Nam. Ông đã làm phụ khảo môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho giáo sư Vũ Văn Mẫu khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài gòn trong những năm đầu khi chương trình học được chuyển đổi từ Pháp ngữ sang Việt ngữ (thời gian năm 1956-1958). Ông cũng là giáo sư của môn kịch nghệ trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn cũng như là giáo sư thực thụ hoặc thỉnh giảng của các Viện Đại Học ở miền nam. Về hoạt động chính trị ông cũng là một khuôn mặt chính khách có khuynh hướng Quốc gia, đã tham chính làm Chánh Văn phòng cho Bộ trưởng Ngoại Giao Phan Huy Quát năm 1964. Ông bị chế độ Công sản cầm tù khổ sai trong 11 năm từ 1976 đến 1987 tại các trại tù Gia Trung và Hàm Tân. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 và đã từ trần năm 2005 tại Quân Cam, Nam California.

Ông đã viết, cộng tác hoặc chủ trương rất nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài gòn và ở hải ngoại. Đặc biệt ông là một trong những nhà văn di cư chủ trương tờ báo Chuyển Hướng và Người Việt trong giai đoạn sau năm 1954 di cư vào Nam cùng với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và sau đó cùng với các nhà văn Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ …chủ trương tạp chí Sáng Tạo khởi đầu cho một cao trào văn chương bắt đầu cho Hai mươi năm văn học miền nam đầy chất sáng tạo và khai phá.

Tác phẩm của ông: về thi ca: Khúc hát Gia Trung và Chants D’Ya (thơ Pháp ngữ). Truyện ngắn Chờ Sáng, truyện dài: Gió Cây Trút Lá, trường thiên hai quyển : Bốn Phương Mây Trắng. Khảo luận Tiểu luận Văn Hóa Giáo Dục. Kịch ngắn : Mưa ; Trắng Chiều. Ngoài ra ông còn viết các bộ sách giáo khoa cho học sinh trung học như Quốc Văn Toàn Thư. Và các tập sách giáo khoa cho sinh viên Đại học như Phương pháp luận về văn học sử, văn thể học, thi ca luận, phê bình luận, các trào lưu văn học tây phương thời hiện đại, …

Nếu qua báo chí sách vở thì tôi đọc ông rất sớm từ lúc còn là cậu bé học sinh trung học đệ nhất cấp. Tôi đọc những bài viết của ông đăng trong tạp chí Sáng Tạo ký tên Người Sông Thương với tâm tư của một cậu học trò học hỏi chuyện văn chương mà lúc đó tôi thấy xa vời và quá sức... "vĩ đại”. Tôi nhớ không quên cảm giác tôi mua được cuốn sách Chờ Sáng bìa mầu trắng bạch rất trang nhã ở tiệm sách cũ ở gần trường tư thục Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế. Những cuốn sách cũ làm tôi ham mê đến nỗi phải nhịn đói buổi điểm tâm sáng hoặc cuốc bộ để hà tiện tiền xe buýt đến trường…

Tôi coi ông như một vị thầy đáng kính mến mặc dù tôi chưa học ông bao giờ. Đối với ông, qua những lần cùng các anh em đến thăm ông tại tư gia ông hay trong những buổi gặp mặt tại quán xá, tôi vẫn giữ một khoảng cách lễ độ của một người học trò với một người thầy.

Tôi nhớ vào khoảng năm 2005 lúc thầy bị bệnh thì một bữa vào buổi sáng cuối tuần gặp anh Duy Lam và tôi mới được anh nói về tình cảnh của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế. Mấy tháng trước tôi có nghe là ông bị bệnh nặng và phải vào bệnh viện nằm. Nhiều người muốn thăm viếng nhưng gia đình ngại nên chỉ có vài người bạn thân đến thăm thôi. Đến nay, theo lời anh Duy Lam kể lại thì ông đã bị hôn mê từ đó đến giờ. Lúc đó dù bác sĩ ngần ngại khi ông muốn mổ van tim vì tình trạng cơ thể của ông sợ không chịu đựng được những phản ứng khi chữa trị. Sở dĩ ông muốn giải phẫu để có sức khỏe tốt đủ để hoàn tất bộ trường thiên “Bốn Phương Mây Trắng” mà cuốn đầu tiên đã hoàn tất và do chị Trương Anh Thụy của “Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ“ ấn hành. Bộ trường thiên này trước đã đăng từng kỳ trên tạp chí “Phụ nữ Việt” của anh Long Ân và khi anh còn sinh tiền cũng nỗ lực nuốn in tác phẩm này.

Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế trong lúc cuối đời đã thể hiện tấm lòng với văn chương thật là đáng kính trọng. Qua sự kiện nói trên, tôi nhận thấy một điều, khi tuổi già và quỹ thời gian gần cạn thì văn chương chính là những ước muốn được trân trọng nhất. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã muốn hoàn thành bộ trường thiên của mình cũng như những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam như Thanh Nam, Nguyên Sa, Trần Hồng Châu, … khi nằm trên giường bệnh trong cảnh gần đất xa trời cũng vẫn tâm đắc và lo lắng về tác phẩm đang được in. Hình như, cuộc đời rốt lại chỉ còn là những trang sách giở để lại cho hậu thế.



Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, nhà văn Mai Thảo, họa sĩ Thái Tuấn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và
chị Cao Mai Hoa (cô dâu & chú rể) , nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, họa sĩ Ngọc Dũng, nhà văn Trần Thanh Hiệp


Nói đến tên tuổi Nguyễn Sỹ Tế, người ta thường nghĩ về nhiều phương diện. Là một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều viện đại học ở miền Nam Việt Nam. Là một nhà báo, ông đã chủ trương những tạp chí kỳ cựu nhất có sự góp mặt của nhiều cây bút thời danh từ lúc sau cuộc di cư năm 1954 và là cái nôi để những người viết mới thuở đó có cơ hội chiếm lĩnh văn đàn sau này. Là một nhà thơ, khi ở hải ngoại sau một thời kỳ bị đầy ải, ông đã in “Khúc Hát Gia Trung” và “Chants D’Ya” thơ Pháp Ngữ. Là nhà văn, ông đã xuất bản “Chờ Sáng” và “Bốn Phương Mây Trắng”. Là nhà phê bình văn học, ông đã mang kiến thức về nghệ thuật nhân văn và triết học để có những nhận xét chính xác và sâu sắc về những trào lưu văn chương Việt Nam và thế giới.

Như bài thơ “Phiêu“, ông đã hòa mình vào thiên nhiên để tìm lại những an tĩnh cho cuộc sống. Thơ vượt trên những độ thấp của cuộc sống để đến những cao rộng của nhân sinh:

“Cỏ rêu nở nụ hoa vàng

Một con suối nhỏ lang thang trong rừng

Khói tuôn mép rẫy ngập ngừng

Đôi ba mái lá ngủ lưng chừng đồi

Non mờ chắn lối xa xôi

Bốn phương mây trắng một trời hoang liêu

Gió lên thung đã rất chiều

Nhân sinh trọn một chữ “phiêu” vô tình!”

Hình như cảnh và người có một chút gì phảng phất liên quan với nhau. Dù thực tế của những đọa đầy tù ngục nhưng người đọc cảm thấy trong thơ có một sự an nhiên tự tại.

Hơn thế nữa, Thơ của ông có man mác thi vị của thời xa xưa. Dù, nói về nỗi đau hôm nay. Dù, là nỗi niềm của những kẻ sĩ bị nung nấu trong lò cừ thời cuộc. Thơ có ngôn ngữ mà người đọc dễ liên tưởng đến những thầm trao, những gửi đến. Thi sĩ gợi lại những hình ảnh cũ xưa, của một cảnh tượng đền đài nào gợi lại một thời hoàng kim nhưng nay hoang phế. Trong cái chạnh lòng, của cảm khái tâm sự, vẫn có tấm lòng vượt lên trên cuộc sống để có cái nhìn lạc quan cho tháng ngày hiện hữu bây giờ. Như bài “Phương Hải Tần”:

“Giã từ thành quách hoang liêu

Trăm năm để hận một chiều nước mây

Mái sương chia nửa chốn này

Nghe tâm tư động sáu giây nguyệt cầm

Khúc nghê thường những huyễn âm

Vành môi ngọc thụ một mâm hoang đường

Đan thanh khép kín nẻo tường

Bước chân hoang dại nhớ phương hải tần

Lên cao giũ áo phong trần

Xuống khe gột rửa nợ nần hôi tanh

Một mùa xuân thật hiền lành

Cỏ cây dệt mộng áo xanh trong đời. ”

Thơ là người. Có người nói như vậy bởi vì qua không gian và thời gian của thơ thì đời sống biểu hiện chân thực bằng chân dung tạo thành bắng ngôn ngữ vần điệu. Ông đã làm thơ, như một cách thế gửi chính mình, “Gửi hành nhân” :

“Gửi người lặng lẽ đăng trình

Hơi sương lạnh lẽo bình minh tới gần

Gửi người tìm chốn nương thân

Bếp không lửa tắt thập phần ủ ê

Gửi người đi chẳng trở về

Hẻm cùng ngõ cụt bốn bề lặng yên

Gửi người chạy trốn đêm đen

Một trang lịch sử ố hoen quê nhà! “

Người đang đi trên những quãng đường núi sọ. Là ai? Có phải là cả một thế hệ Việt Namtrong thời thế ngả nghiêng của chiến cuộc. Có chút chia sẻ nào với thơ “Khúc hát Gia Trung” và Chants D’Ya”?

Dù là ở thế hệ sau của thi sĩ, nói cho cùng tôi cũng là một “hành nhân” trong một cuộc đăng trình bất đắc dĩ. Là kẻ đi tìm chỗ nương thân nhưng chỉ toàn gặp nơi ”bếp không lửa tắt”. Cũng có thể là người đi chẳng thể trở về nơi dù là hẻm cùng ngõ cụt vẫn lạnh lùng lặng câm. Là người chạy trốn đen tối của một thời lịch sử? Có phải không những nỗi niềm chung mang của cả một thế hệ?

Có người nhận định Thơ của ông trầm mặc và đẫm màu suy tư. Có phải hình ảnh ông thầy giáo đã chiếm nhiều phần hơn con người thi sĩ?

Tuy có chừng mưc, có đạo mạo, có nghiêm chỉnh nhưng thơ của ông cũng không thiếu vẻ thơ mộng lãng mạn. Trong cái nhìn trong sáng không bị vẩn đục bởi những trăn trở đa đoan của cuộc sống, có khi là cái nhìn siêu thoát nhiễm mùi đạo học. Không phải đó là sự trốn tránh hiện thực mà chính là sự đi tìm cái thẩm mỹ quan để thăng hoa đời sống. Thí dụ như :

“rừng núi bao la toàn khối nặng

lạnh lùng che khuất cả trời xa

sườn non bỗng thấy trên màu lá

ngói đỏ nhô lên một cảnh chùa.”

Có phải Nhà Văn Nguyễn Sỹ Tế không chiến đấu bằng ngòi bút. Ông chỉ giáo dục, cảm hóa người khác bằng ngòi bút?

Nếu có nhận định trên bởi vì trong thơ văn lúc nào ông cũng khoan hòa nhân ái với mọi người ngay cả với những kẻ đã gây ra những thảm kịch cho đất nước, những kẻ đã đày ải bóc lột và đối xử dã man tàn ác với ông và đồng bào ruột thịt. Tôi thì nghĩ rằng mỗi tác giả đều có một tâm tư riêng một cảm nhận riêng nhưng văn chương mà hướng về cái đẹp, cái thiện là đáng tôn vinh. Một tác giả mà tôi nghĩ lúc nào cũng tràn đầy cái thiện, cái đẹp trong tác phẩm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Ông cũng như nhà văn Nguyễn Sỹ Tế dù viết về đời sống lao nhục khổ ải lúc nào cũng chan chứa tâm tình trong sáng, yêu mình nhưng cũng yêu người và nhân sinh quan tràn đầy lạc quan dù thực tế toàn là những bóng tối bi đát.

Có người lại nói ông được biết đến là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa, một nhà văn hơn là một nhà thơ? Theo tôi, thì ở trường hợp ông, thơ náu vào bên trong tâm tư trong khi ở thể văn xuôi và khảo luận thì trình diễn ra bên ngoài. Cả khi ông viết khảo luận bàn về thơ ký tên Người Sông Thương trên tạp chí Sáng Tạo ngày xưa có nhiều tìm kiếm cái mới lạ cho con đường sáng tác nhưng trong cái thâm trầm vẫn thấp thoáng những chân trời cổ điển của thơ đời Đường Tống của Trung hoa thời xưa hay thi văn đời Lý Trần của Việt Nam nhiễm nhiều thiền vị của đạo học. Đó là ý kiến riêng rất chủ quan của tôi. Và tôi nghĩ, có lẽ còn phải bàn luận nhiều về chủ đề trên.

Một nhà văn ở trong nước, Ngọc Trúc, có bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ về một kỷ niệm với thầy hiệu trưởng Trường Sơn: “lên cấp 3, tôi vào ban văn chương. Giờ học đầu tiên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Sỹ Tế (giáo sư triết) đích thân đến lớp chúng tôi để giới thiệu ban giám hiệu và các giáo sư (các ban khác thì thầy hiệu phó hay giám thị đến). Thầy nói một câu mà chúng tôi rất tự hào và nhớ mãi: ”Xin trân trọng kính chào lớp hậu bối. Các em chọn ban văn chương có nghĩa là các em đã đến với môn học được xếp vào hàng cao quý nhất! các em có biết trong tất cả các lễ trao giải giải thưởng của ngành giáo dục trong nước cũng như trên toàn thế giới, phần thưởng môn văn sẽ được chính nguyên thủ quốc gia hoặc người nào giữ chức vụ cao nhất có mặt tại buổi lễ đích thân trao tặng đầu tiên”.

Không chỉ dưới mắt thầy cô, chúng tôi những học sinh chuyên văn luôn được yêu quý và trân trọng. Trong mắt bạn bè các lớp chuyên văn lúc nào cũng là thế giới hấp dẫn các bạn khác phái cùng trường lẫn khác trường. Chúng tôi rất hãnh diện vì mình đang học ban văn chương. Thế rồi 20 năm sau. Năm lớp 9, con gái tôi đoạt giải nhất môn văn cấp thành phố. Tôi cũng hãnh diện đi theo con mình đến Hội trường Thống Nhất để dự lễ trao giải thưởng. Thật lòng thời điểm đó chuyện cơm áo gạo tiền cứ cuốn hút tôi lao vào nên mọi chuyển biến trong xã hội tôi ít biết. Cho đến lúc trao giải thưởng môn văn khi nghe một giáo sư nói: ”Ngày nay trước thực trạng đa số các em học sinh thờ ơ với môn văn chúng tôi những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học cảm thấy vô cùng có lỗi với các bậc tiền bối Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tiên sinh…”. Tôi bất chợt bàng hoàng nghe rưng rưng nước mắt. ”

Tôi biết tại sao học sinh chán môn văn mà một người cầm bút ở trong nước đã viết. Học về những Hồ Chí Minh, Tố Hữu hay những văn nô khác hoặc những bài văn thơ tuyên truyền phục vụ cho chế độ thì làm sao có hứng thú được ?

Tác phẩm Chờ Sáng là tập truyện ngắn của ông in năm 1961. Viết “Chờ Sáng“, nhà văn viết trong tâm cảnh của một người di cư đến đất lạ. Là tâm cảm của một người lữ khách, đi tìm những lôi cuốn của xã hội mới nhưng vẫn còn mang nặng tâm cảm của một người xứ Bắc. Trong hoàn cảnh trại tạm cư lều Phú Thọ hay đại học xá Minh Mạng của những ngày miền Nam mưa nắng hai mùa ấy, những ước vọng cũng như những nỗi niềm đã cống hiến cho văn chương khởi đầu những hứa hẹn của bình minh rực rỡ. Như Nguyên Sa đã viết về những ngày đầy hứng thú chiếm lĩnh văn đàn để trở thành một trào lưu văn học in hằn tâm tư kẻ sĩ của một thời đại lịch sử đầy biến cố. Tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, …đã có mặt đúng thời đúng thế và tạo được những đóng góp vào văn chương dân tộc.

Khi viết trong tạp chí Sáng Tạo, đôi khi ông dùng bút hiệu Người Sông Thương trong những bài tiểu luận về thơ. Điều ấy chứng tỏ cái tình quê hương đã bắt rễ ăn sâu vào ông để trở thành một bản sắc thấy rõ trong những điều diễn tả.

Những truyện ngắn là những nhịp cầu nối liền những kỷ niệm nơi chốn xưa, Hà Nội, và, bây giờ, Sài Gòn, đã thành một hành trang để người cầm bút có thể trang trải được món nợ với quê hương, dân tộc. Không còn là người lữ khách ghé thăm qua nữa, mà, là ở lại để tạo dựng một cơ đồ mới, một cuộc sống mới. Niềm tin tưởng ấy, có lẽ là một trong những động lực để văn học lên đường nghệ thuật lên ngôi. Những thành quả của hai mươi năm văn học Miền Nam chứng minh điều ấy…

Ở vị trí của một người tị nạn Cộng sản từ miền Bắc vào, lẫn lộn giữa niềm hoài nhớ quê hương vừa xa và nỗi háo hức xây dựng một nền văn học mới thể hiện được khát vọng và ý hướng của những người Việt Nam yêu nước, ông viết bằng tâm cảm thực của mình với ngọn lửa đốt lên từ những ước vọng và giấc mộng tuổi trẻ.

Tiểu thuyết thứ hai của ông “Gió cây trút lá” đã đuợc viết trong hoàn cảnh và tâm sự thế nào? Tác giả “Gió cây trút lá“ đã viết về tác phẩm của mình: ”…Cuộc di cư vĩ đại hơn một triệu người miền Bắc đủ thành phần xã hội đã mở ra một môi trường dân tộc mới cho tôi. Bao công việc nặng nề đang chờ đợi khiến tôi chưa có cơ hội để nghĩ sâu hơn nữa về tác phẩm dư tính của mìình.

Mặc dầu vậy, năm 1974 do thúc đẩy của bằng hữu và cũng của lớp trẻ miền Nam tôi cũng hoàn thành được một cuốn truyện dài hướng vào ý nghĩ và việc làm của giới thanh niên học đường tại miền Nam lúc đó. Bắc Nam gặp gỡ giao động rồi hòa hợp trong một thời đoạn ngắn từ 1954 đến 1963. Đó là cuốn truyện Gió Cây Trút Lá. Gió trút lá cây như thời thế trút bỏ những mặc cảm phân chia, nghi kỵ giữa con người và con người cùng chung một vận mệnh”

Tác giả đã thai nghén bộ trường thiên tiểu thuyết cuối cùng của ông, Bốn Phương Mây Trắng, trong không gian và thời gian đặc biệt của dân tộc. Theo ông sau năm 1963 tình hình đất nước biến chuyển mạnh. Chiến tranh tái diễn mỗi lúc một tăng cường độ và quay cuồng vì sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp của các siêu cường ủy nhiệm qua các tay sai của ngoại bang. Sự can thiệp trực tiếp rồi tham chiến của quân viễn chinh Hoa Kỳ tạo thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ và chấm dứt bằng hội nghị Paris năm 1973 để năm 1975 chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ và Công sản miền Bắc chiếm được cả miền Nam. Với sự thành lập của chính quyền cộng sản tại miền nam một chương lịch sử dài đau thương đã khép lại thời gian chín mùi cho ông khởi sự viết Bốn Phương Mây Trắng như dự tính, tiếc rằng cơ hội vẫn chưa chp phép. Bởi vì ông bị 12 năm trong tù.

Như vậy chắc thời gian ở trong trại giam khổ sai cải tạo ông ngưng công việc cầm bút hoặc suy nghĩ về văn chương nghệ thuật?

Không hẳn như vậy. Theo ông kể thì suốt trong thời gian dài mười hai năm đằng đẵng nói trên, mỗi khi có dịp ông lại đem tác phẩm của mình ra suy nghĩ thêm, đào sâu vào các chủ đề, phác họa những nhân vật chính, dàn trải bố cục và sắp xếp hành động cũng như cá tính của nhân vật chính. Đương nhiên đây chỉ là suy nghĩ và sắp xếp trong đầu óc mà thôi. Đời sống khắc nghiệt của trại tù cũng không làm ông ngưng suy nghĩ về văn chương. Con tằm phải nhả tơ dù hiện tại không biết lúc nào được ra tù và nếu có viết được thì viết cho ai và phổ biến thế nào. Suy tư thì vẫn suy tư và tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng vẫn cứ dầy lên trong ký ức.

Đến “Bốn Phương Mây Trắng”, tác giả Nguyễn Sỹ Tế viết trong tâm cảm của một người viễn khách. Bây giờ, dù quê hương vẫn hiển hiện nhưng đã xa xôi lắm rồi. Hành trình đi tìm cội nguồn có lẽ là ước vọng cuối đời. Thời đại ấy, chúng tôi đã sống. Nỗi niềm ấy, chúng tôi đã mang. Đoạn trường ấy, chúng tôi đã đủ. Thời thế ấy, bây giờ phải làm sống lại bằng văn chương. Để những lớp người đi sau hiểu được những trớ trêu của lịch sử và những bất hạnh của một dân tộc. Viết, để sống lại một đời. Viết, để tìm lại một thời …

Như vậy có sự gì khác biệt giữa văn phong cũng như thông điệp chuyên chở theo tác phẩm của hai thời kỳ văn học này của tác giả Nguyễn Sỹ Tế?

Từ “Chờ sáng“ của một lữ khách đến “Bốn Phương Mây Trắng“ của một viễn khách, tuy khác biệt nhưng vẫn là một. Vẫn là những ray rứt rất tiểu tư sản của thời kháng chiến. Vẫn là những nỗi niềm rất kẻ sĩ Đông phương trước một thế thời ngửa nghiêng.

Định cư ở Hoa Kỳ năm 1992 thì ông in và ra mắt tập thơ Khúc Hát Gia Trung năm 1994 rồi sau đó, ra mắt tập thơ Chants D’ Ya năm 1997. Những bài thơ này ông đã sáng tác trong tù nay nhớ lại và sửa chữa.

Thơ, một phần là tâm cảm nhưng văn mới chính là thịt da tượng hình vóc dáng văn chương ông. Có lẽ, ông không muốn nói về một khuôn dáng chiến sĩ dù trong suốt một thời gian dài từ 1945 trở về sau, Việt nam là một chiến trường ác liệt. Mà, ông muốn vẽ lại một hành trình mà, trong đó, con người đã bị đẩy vào những tình trạng bất đắc dĩ. Với bản tính trầm lặng hiếu hòa, với cá tính của một nhà giáo, văn chương ông không có nhiều chất chiến đấu hiểu theo nghĩa đơn giản. Nhưng, trong cung cách diễn tả, vẫn là sự hào sảng của một người biết và hiểu được triết lý của cuộc nhân sinh. Không kêu gào bạo lực, không muốn tham dự cảnh tương tàn, nhưng vẫn phải nhập cuộc, hiểu theo một nghĩa tích cực.

Sau khi hoàn tất tập thơ Pháp ngữ ông chuyên tâm vào việc viết bộ trường thiên này. Những chương đầu tiên được đăng trên Phụ Nữ Việt của nhà văn Long Ân. Ông hoàn tất đuợc phần đầu gờm hai cuốn dày chừng hơn 7 trăm trang. Cuốn thứ ba đang viết dở dang mấy chương thì ông bệnh nặng và từ trần. Theo dự trù của ông bộ trường thiên này sẽ kéo dài thành nhiều cuốn lần lượt theo từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

Tác giả sau nhiều năm nghiền ngẫm nhất là khoảng thời gian bị tù đày mười hai năm, đã thai nghén và khởi đầu viết một trường thiên nhiều tập về quê hương và dân tộc chúng ta như một chứng nhân. Dù chỉ là một nhà giáo dạy văn chương nhưng ông cũng phải trải qua những thăng trầm của lịch sử vừa đóng vai chứng nhân vừa là nạn nhân.

Ông đã phác thảo và khắc họa nên một số nhân vật thanh niên, nói chung là trẻ và đầy nhiệt huyết và nhiều cá tính không những chỉ ở hai nhân vật chính là Bạch và Vân mà ngay cả ở những nhân vật phụ như Mến, như Quân, như Chấn, như Lan, …tất cả đều là những thanh niên sinh trưởng trong những gia đình tử tế và nề nếp có lý tưởng và tâm hồn thì trong sáng ngay thơ khi bước vào đời. Nhưng chả mấy lúc họ đã bị đưa đẩy vào thời cuộc với những lốc xoáy thời đại. Họ bị thử thách cam go phức tạp về mọi phương diện từ cái học, cái tư cách, cái bản chất trong những hoàn cảnh của một cuộc chiến phức tạp. Qua những cơn bão tố, tiểu thuyết trường thiên mở ra những phận đời, kể về những cuộc đời mà đôi khi, những độc giả có cảm tưởng là mình đang đóng một vai trò trong đó.

Tiểu thuyết kể lại nhiều trang của lịch sử Việt nam, như vậy cái cương vị là người chép sử có ảnh hưởng đến công việc của một tiểu thuyết gia không? Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế xác định mình chỉ là một tiểu thuyết gia. Những biến cố lịch sử dù trong khoảng thời gian của tiểu thuyết dù có quan hệ tới đâu cũng không được đề cập tới nếu không có liên quan với nhân vật hoặc bố cục của truyện.

Như vậy tiểu thuyết này hoàn toàn hư cấu? Thực sự không hẳn như vậy. Tác giả đã dùng những kinh nghiệm đời sống thực của với những biến chuyển thời sự để tái tạo lại một thế giới khác, có không gian thời gian khác nhưng vẫn có hơi hướng của lịch sử. Nhân vật của lich sử dưới con mắt sử gia khác biệt rất lớn với nhân vật lịch sử của tiểu thuyết gia. Thẩm mỹ quan của tiểu thuyết gia khác với cái ý nghĩa về “chân” của sử gia.

Có nhận xét cho rằng trong tiểu thuyết Bốn phương Mây Trắng tác giả muốn tái tạo lịch sử theo chủ quan mình? Nhưng thế nào là tái tạo lịch sử? Lịch sử của tiểu thuyết gia khác với của sử gia. Như vậy danh từ tái tạo có lẽ không thích hợp lắm. Trong Bốn Phương Mây Trắng những nhân vật sống trọn vai trò của mình mang theo thông điệp của tác giả kèm theo. Danh từ thông điệp không biết có ý nghĩa rộng lớn nào không nhưng tôi hiểu rằng ngôn ngữ văn chương của tác giả có mục đích nhắm đến điều ấy.

Kinh nghiệm sống của tác giả trong một thời gian của lịch sử đã thể hiện như thế nào trong bộ trường thiên này? Tác giả viết ”Trong cái rủi tôi có phần may là đã sống trọn vẹn cái giai đoạn trớ trêu của nước nhà, dòng dã ba mươi năm được nói tới trong Bốn Phương Mây Trắng ngay sau khi tôi thành niên và vào học trường đại học nơi quê nhà. Suốt đời tôi chỉ có hai cái nghề để theo đuổi là dạy học và viết văn và tôi không có chân trong một đảng phái hay liên minh chính trị nào. Tôi đã viết bộ tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng với tư cách của một chứng nhân luôn thể nạn nhân của thời thế như tuyệt đại đa số đồng bào của tôi.”

Phong cách tiểu thuyết của Bốn Phương Mây Trắng? Đây có phải là một chuyện tình lồng trong thời thế của một đất nước chiến tranh?

Đúng vậy, đây là một truyện tình với các nhân vật tuy là ảo và hư cấu nhưng lại dựa trên sự thật của lịch sử trong một thời gian và không gian dài và rộng. Hai người trẻ có mối tình bị chia ly bởi vì ý thức hệ của hai người trái ngược nhau. Trong thực tế Việt Nam, đã có rất nhiều mối tình như vậy. Từ lúc còn tuổi trẻ khi đi còn đang đi học đến lúc vì thời cuộc kẻ Bắc người Nam cho đến lúc lìa đời vẫn không thể nào toàn vẹn mối chân tình ấy được.

Viết về một thời đại đầy phân ly và bi kịch như thế, Tác giả đã gửi gấm gì trong bộ trường thiên đang viết dang dở này ? Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế:

“Tấn thảm kịch trong Bốn Phương Mây Trắng đã qua đi một phần tư thế kỷ nay rồi nhưng dư vang của nó vẫn còn. Bởi thực tại của ngày hôm nay không có khả năng khỏa lấp nó và tương lai không định hướng cũng chẳng đem lại một niềm tin nào cho ai. Nếu được phép biện hộ cho dân tộc đau khổ của tôi trước mọi người tôi xin biện hộ nhận tội-plaider coupable, vâng, ai cũng đúng cả chỉ có chúng tôi là sai thôi! Xin mượn một câu thơ trong bài Chị Tôi mà tôi đã sáng tác cách nay bốn mươi tư năm:

Phải nguyền rủa tất cả mọi người như tôi

Không ai có năng quyền làm lịch sử

Ngoại trừ trẻ thơ và những người đã chết

Tôi nghĩ rằng trong cái “hư” của Bốn Phương Mây Trắng là có cái ”thực” của lịch sử nước nhà hiện đại”






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com