Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

LÝ ĐÔNG A *



T huở nhỏ vì nhà nghèo, cậu Thanh không được gia đình cho học lên Trung học sau khi đậu Sơ học Pháp nên quay về theo học người chú là một cụ đồ nho. Chỉ mới sáu tháng, cậu Thanh đã thông thạo chữ Hán và chẳng mấy chốc học hết chữ của ông chú. Ông chú bèn đưa cậu lên chùa trong phủ để thụ giáo sư cụ chùa này. Cậu Thanh được sư cụ thu nhận làm đệ tử và dạy cậu về chữ nho cũng như về Phật học. Sư cụ trước đây đã hai lần đỗ tú tài, một thời theo cụ Phan Bội Châu làm cách mạng, bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Trong chỗ đi lại với sư cụ, có một nhà nho khác nữa là cụ Hải Kình, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Sư cụ chùa Phủ Lý Nhân cũng như cụ Hải Kình đều không thể trả lời những câu hỏi của cậu Thanh về chỗ đứng của con người trong trời đất, về Kinh Dịch và lịch sử cận đại. Cụ Hải Kình đề nghị đem cậu Thanh vào Huế gặp cụ Phan Bội Châu. Cụ chọn ngày rằm tháng Giêng âm lịch (1936), ngày tế Nam Giao để đưa cậu Thanh vào Huế xin cho cậu Thanh theo học cụ Phan Bội Châu. Rồi cụ Hải Kình trở ra Bắc, để cậu Thanh ở lại tư thất cụ Phan Bội Châu và cậu Thanh sẽ ở lại đó một thời gian. Sau một cuộc khảo sát về kiến thức của cậu Thanh, cụ Phan Bội Châu bắt đầu giảng cho cậu Thanh về Kinh Dịch, đôi khi cụ so sánh với tư tưởng của Karl Marx (Mã Khắc Tư), của Montesquieu và JJ Rousseau (Mạnh Đức Tư Cưu và Lư Thoa). Rồi cụ nói về hai mươi năm hoạt động cách mạng, những kinh nghiệm đau thương với các loại đế quốc thực dân. Khi cậu Thanh hỏi cụ dân tộc ta nên theo duy tâm hay duy vật, cụ trả lời rằng: “Dân chẳng duy tâm, dân chẳng duy vật, dân chỉ duy dân”. Cụ nói tới đâu, cậu Thanh nhớ tới đó chẳng cần ghi chép trên giấy. Sau 25 ngày, cụ Phan Bội Châu nhắn cho cụ Hải Kình hay là việc huấn luyện cậu Thanh kể như đã xong. Cụ Hải Kình từ Nghệ An trở vào Huế đón cậu Thanh về. Khi tiễn chân cụ Hải Kình và cậu Thanh ra cổng, cụ vỗ vai cậu Thanh và nói: “Cháu là một viên ngọc qúi. Bố mẹ cháu chắc tu nhiều kiếp mới sinh ra cháu… Chú đặt kỳ vọng ở cháu rất nhiều. Tấm ảnh mà chú tặng cháu với bốn chữ Cứu Quốc Tồn Chủng, cháu có thể sử dụng như thư giới thiệu với cựu đồng chí của chú mỗi khi cần tới”. Quay sang cụ Hải Kình, cụ Phan Bội Châu nói chúng ta già rồi, bằng mọi cách chúng ta cần phải yểm trợ cho thằng cháu vì cháu nó chính là tương lai của chúng ta và của dân tộc (theo Gs ĐVD).

Sau thời gian được những người ở bậc cha chú dạy dỗ, cậu Thanh đã tự mình tổ chức cuộc sống cho mình. Cậu loay hoay muốn tìm cách thoả mãn nhu cầu học hỏi thêm. Biết được tâm sự của em, người anh cả trong gia đình cậu Thanh là Nguyễn Hữu Loan bèn gửi cậu lên Hà Nội ở nhà ông Dương Thái Ban, người cùng quê Hà Nam, nhờ ông Ban lo dùm cho cậu Thanh. Cậu Thanh dành dụm tiền anh cho và ghi tên vào học một trường tư, không vì mục đích bằng cấp mà chỉ chú trọng tìm học những môn cậu thấy cần bổ túc, cốt sao nắm được tinh túy của khoa học, sử học, triết học phương Tây, để cậu có thể phối hợp văn hóa phương Tây với văn hóa phương Đông mà cậu đã tiếp thu được từ sư cụ chùa Phủ Lý Nhân, hai cụ Hải Kình và Phan Bội Châu. Mặt khác, cậu Thanh hằng ngày vô thư viện công cộng – thư viện của Hội Viễn Đông Bác Cổ – với sự trợ giúp của ông Nguyễn Văn Tố, Quản thủ viên thư viện này cũng như của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ để mượn được sách mang về nhà đọc.

Thỉnh thoảng cậu còn lên chùa Quán Sứ đọc kinh và chuyện trò với những nhà sư trẻ. Tại tư gia ông Dương Thái Ban, nơi đi lại, tụ họp của giới làm cách mạng thuộc đủ mọi xu hướng quốc gia, cộng sản, cậu Thanh lắng nghe các cuộc trao đổi ý kiến, cậu chỉ lắng nghe những người làm cách mạng thời đó và ghi nhớ không cần ghi chép.

Trong suốt thời gian chừng hai năm tại Hà Nội, Nguyễn Hữu Thanh đã cố gắng sắp xếp tư tưởng của mình thành một hệ thống lý luận. Năm 1938, Nguyễn Hữu Thanh đột ngột rời Hà Nội xuống Hải Phòng đi làm cho một hãng buôn, để dành tiền lên núi Yên Tử vào chùa đọc kinh sách và suy tư. Buổi chiều, Nguyễn Hữu Thanh thường hay ra ngồi dưới gốc cây thông nhìn xuống chân đồi tĩnh tâm suy nghĩ. Một bữa, theo lời Nguyễn Hữu Thanh kể lại với một đồng chí Duy Dân là Phạm Thanh Giang: Nguyễn Hữu Thanh (NHT) “bỗng thấy hiện ra trước mặt một vùng trời sáng chói, đỏ rực như vầng thái dương”, mọi ý nghĩ trong đầu NHT “đều như quyện lấy hào quang và chan hòa vào vũ trụ. Nhắm mắt lại, NHT bỗng thấy mọi ưu tư, mọi mâu thuẫn, mọi thắc mắc vụt tan biến. Tất cả được giải tỏa và sắp xếp thành một hệ thống rất chặt chẽ và thứ tự như một phương trình gọn ghẽ minh bạch: Nguyễn Hữu Thanh đã khám phá ra biện chứng Duy Dân.”.

Mùa Thu năm 1939, Pháp tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Thấy thời cơ sắp tới, Nguyễn Hữu Thanh lặng lẽ tiếp xúc với các nhà cách mạng đàn anh, trong đó có Sư cụ Tâm của chùa Phủ Lý Nhân và cụ Hải Kình. Mùa hè năm 1940, Pháp thua trận, Nhật tiến vào Đông Dương. Để làm áp lực với Pháp, Nhật yểm trợ cho Việt Nam Phục Quốc Hội của Hoàng thân Cường Để, một đồng chí của cụ Phan Bội Châu. Đại diện của Cường Để là Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập thuộc toán quân Nhật có mặt tại Lạng Sơn. Họ tập hợp được một số quân nhân Việt Nam từng theo quân đội Nhật và quân đội Pháp, đồng thời một số thanh niên yêu nước lác đác từ đồng bằng lên Lạng Sơn xin gia nhập.

Riêng cụ Hải Kình, cụ chỉ định ông Bùi Quỹ, một đảng viên trong chi bộ VNQDĐ của cụ đích thân mang thanh niên Nguyễn Hữu Thanh lên Lạng Sơn gặp Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập. Sau nhiều cuộc trao đổi ý kiến, rất ngạc nhiên và bị thuyết phục trước những kiến thức uyên bác của thư sinh Nguyễn Hữu Thanh, Đoàn Kiểm Điểm và Trần Trung Lập đồng thanh mời Nguyễn Hữu Thanh làm Ủy viên Chính trị của Phục Quốc Quân và được giới thiệu với các cấp chỉ huy của đoàn quân này. Bắt tay vào việc, Nguyễn Hữu Thanh chia đoàn quân ra thành từng nhóm để thuyết giải về mục đích cứu quốc của đoàn quân, về kinh nghiệm lịch sử của dân tộc. Nguyễn Hữu Thanh cũng không ngần ngại đi phục kích cùng đồng đội. Mọi người rất phấn khởi, kéo nhau đi cổ động rộng rãi đồng bào các giới tiếp tay tranh đấu cùng với Phục Quốc Quân.

Công việc đang tiến hành tốt đẹp bỗng xảy ra việc quân Pháp nhượng bộ, chịu để cho quân đội Nhật đến hữu ngạn sông Hồng Hà. Đổi lại, Pháp yêu cầu Nhật thôi yểm trợ Phục Quốc Quân. Nhật lặng lẽ rút quân đi nơi khác. Pháp chiếm lại Lạng Sơn. Trung tá Trần Trung Lập bị Pháp bắt và xử tử. Thiếu tướng Đoàn Kiểm Điểm bị chết tại trận vì thiếu sự yểm trợ của quân Nhật.

Tại Lạng Sơn, đoàn quân Phục Quốc lâm vào tình trạng bị phân tán. Một mặt, một số binh sĩ phục quốc bị Pháp cầm tù tại Sơn La, trong đó có một số tù nhân cộng sản như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy. Mặt khác, một số theo chân Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh sang tị nạn bên Tàu.

Bỏ nước chạy sang Tàu là một điều đau xót đối với Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh, vì hồn ông là hồn sử đầy những trang chói sáng mà những danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật cũng như những minh quân như Trần Nhân Tông đã viết ra một cách hào hùng.

Sau nhiều ngày gian nan, mọi người dắt díu nhau tới Liễu Châu. Nơi đây, người đầu tiên Nguyễn Hữu Thanh tìm gặp là cụ Nguyễn Hải Thần, còn có tên gọi là cụ Tú Đại Từ. Cụ Nguyễn Hải Thần năm 1905, theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật Bản làm cách mạng. Năm 1908, Nhật Bản đã đuổi các cụ ra khỏi nước Nhật để có thể bắt tay với Pháp. Các cụ phải qua Tàu lánh nạn, rồi gia nhập quân đội của Tưởng Giới Thạch. Cụ Nguyễn Hải Thần vào học trường Lục quân Hoàng Phố. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, cụ được phong chức Trung Tướng, rất có uy tín đối với Tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Quân khu vùng đó.

Khi gặp cụ nguyễn Hải Thần, Ủy viên Chính trị Nguyễn Hữu Thanh đưa cho cụ coi bức ảnh của cụ Phan Bội Châu có đề bốn chữ “Cứu Quốc Tồn Chủng”. Cụ Nguyễn Hải Thần nhận ra bút tích của cụ Phan Bội Châu nên vui mừng ôm chầm lấy chàng thanh niên thư sinh Nguyễn Hữu Thanh, tìm hiểu nhu cầu cấp bách của nhóm người cùng đi với anh. Nguyễn Hữu Thanh ghi tên nhập học nhưng đổi tên khác để anh em có thể thay mặt khi điểm danh. Nguyễn Hữu Thanh đã vào thư viện của trường vùi đầu đọc sách, nghiên cứu về chiến tranh, về tương quan chính trị với quân sự và giữa quân sự với giáo dục. Ông đọc không biết mệt mỏi. Theo lời kể lại của anh em thì buổi tối khi về phòng, Nguyễn Hữu Thanh “thường đi đi lại lại tiếp tục suy nghĩ” và ngồi vào bàn hý hoáy ghi vào sổ tay.

Tuy miệt mài đọc sách nhưng Nguyễn Hữu Thanh không quên liên lạc với cụ Nguyễn Hải Thần. Khi thảo luận, cụ Nguyễn Hải Thần khâm phục kiến thức rất sâu rộng của Nguyễn Hữu Thanh. Cụ nảy ra ý kiến vận động tướng Trương Phát Khuê mở trường cán huấn, tương tự như Trung Tâm Huấn Luyện Địa Phương Quân, dành riêng cho thanh niên Việt Nam tị nạn. Khác với cụ Phan Bội Châu, cụ Nguyễn Hải Thần gọi ông là “hiền đệ và xưng là ngu huynh.” Cụ đã mời Nguyễn Hữu Thanh vào Ban bí thư của Tổ chức Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và giới thiệu ông với bí danh do chính ông lựa chọn: Lý Đông A. “Lý” là thời nhà Lý; “Đông A” là chữ nho do chữ “Trần” phân ra làm hai. Lý Đông A – Lý và Trần – có nghĩa là hai thời đại cực thịnh, cực văn minh của dân tộc ta.

Từ đó (cuối năm 1941), tên tuổi Lý Đông A bắt đầu “đi vào lịch sử dân tộc.”

(*) tựa đề của Việt Văn Mới.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com